1- Thao tác mở, đóng cửa khi lên, xuống xe
Những lái xe mới vào nghề nên hết sức để ý những thao tác tưởng chừng rất đơn giản này. Đã có rất nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người do mở cửa xe là bài học xương máu mà người lái xe cần phải ghi lòng, tạc dạ. Phải quan sát thật kỹ trước khi mở cửa để lên xe hay xuống xe.
* Kinh nghiệm: ngồi bên trái nên mở cửa bằng tay phải, bên phải mở bằng tay trái. Cách này giúp người mở cửa có góc quan sát rộng hơn vì phải quay người.
2- Tư thế ngồi lái
Sau nhiều năm ôm vôlăng tôi chiêm nghiệm: để lái xe tốt, phải bắt đầu từ tư thế ngồi lái. Bước vào ghế lái xe phải biết chỉnh ghế sao cho tư thế ngồi thật sự thoải mái. Tư thế ngồi phải đảm bảo 1200 – là góc của khuỷu tay và đầu gối khi ngồi lái, tư thế này giúp cho người lái linh hoạt nhất, ngồi được lâu nhất.
* Kinh nghiệm: 2/3 lưng ép nhẹ vào nệm ghế, hai tay nắm nhẹ tay lái. Tuyệt đối tránh việc hai tay nắm quá chặt hoặc gồng cứng tay lái.
3- Vị trí của chân trái
Nhiều lái xe mới vào nghề để bàn chân trái dưới bàn đạp côn, hoặc vuông góc với sàn xe. Đặt bàn chân trái sai vị trí sẽ khiến đoạn đường đến bàn đạp côn xa hơn, hoặc khi cần nhấc chân lên sẽ vướng vào bàn đạp côn.
Điều này dẫn đến chậm cắt côn, thao tác chuyển số chậm, dẫn đến chết máy, hiệu quả phanh thấp với những trường hợp đang lái xe ở những số mạnh 1, 2, 3.
Khi xe đã chạy ổn định, không cần dùng đến chân côn, chân trái còn có nhiệm vụ giữ cho tư thế ngồi thêm vững vàng, chắc chắn.
* Kinh nghiệm: Bàn chân trái phải để đúng vị trí đã thiết kế trên xe (với xe có thiết kế giá để chân). Còn với xe không có giá, người lái phải đặt bàn chân trái ở tư thế bàn chân hơi dốc lên song song với bàn đạp côn và đảm bảo đoạn đường từ vị trí đặt bàn chân đến vị trí bàn đạp côn là gần nhất.
4- Vị trí của bàn chân phải
Đặt bàn chân phải sao cho gót chân làm điểm tựa dưới sàn xe, mũi bàn chân phải đặt nhẹ trên bàn đạp ga hoặc là bàn đạp phanh. Nhiều lái xe đặt chân phải vuông góc với sàn xe, hoặc đút dưới bàn đạp ga, bàn đạp phanh.
Dẫn đến chậm, hoặc luống cuống vướng vào hai bàn đạp này khi xử lý những tình huống khẩn cấp, dễ đạp nhầm chân ga thay vì phải đạp chân phanh.
Ở những tình huống phanh khẩn cấp, gót chân phải không nhất thiết phải tì trên sàn xe mà cần cơ động, đạp nhanh, đạp mạnh và đạp dứt khoát để hiệu quả phanh là cao nhất.
5- Chỉnh gương chiếu hậu
Chỉnh gương chiếu hậu phải, trái, sao cho phù hợp với tư thế ngồi lái. Lái xe chỉ liếc qua, liếc lại đã có thể quan sát hai bên thân xe và phía sau một cách dễ dàng. Nhiều lái xe không biết chỉnh gương, dẫn đến khả năng quan sát hai bên và phía sau rất kém.
Điều này rất dễ nhận ra khi lái xe phải nghiêng bên này, vặn bên kia, hoặc phải chồm người tới trước để nhìn gương chiếu hậu. Tư thế ngồi lái không ổn định rất khó để có thể kiểm soát chiếc xe và chạy xe an toàn.
6- Thắt dây an toàn
Các lái xe nên tập thói quen thắt ngay dây an toàn ngay sau khi hoàn tất công việc chỉnh ghế, chỉnh gương chiếu hậu. Thắt dây an toàn đúng cách ngoài việc sẽ bảo vệ cho bạn an toàn ở những trường hợp xấu nhất, như va chạm với xe khác hoặc lật xe…
Ngoài ra dây an toàn còn giúp lái xe có một tư thế ngồi chắc chắn, lái xe tốt hơn trong quá trình vận hành chiếc xe trên những địa hình đèo dốc quanh co, mặt đường gồ ghề, trơn trượt.
Thắt dây an toàn có thể giảm tình trạng say xe, vì dây an toàn giúp giảm tình trạng xô lắc người khi xe đi vào đường cong cua, đường xấu.
7- Tập thói quen kiểm tra trước khi xuất hành
Dân gian có câu: “Ngựa ai người đó cỡi” cũng như chạy xe nào sẽ quen xe đó. Đa số lái xe mới vào nghề “chết” ở chỗ không kiểm tra, làm quen khi lên xe lạ, xe mới.
Hãy nhập tâm các thao tác quan sát xung quanh trước khi lên xe, bước lên xe phải chỉnh ghế, chỉnh gương, thắt dây an toàn… Đây là các thao tác bắt buộc, các lái xe phải ghi nhớ và làm thường xuyên thành phản xạ có điều kiện.
Kiểm tra nhanh tư thế ngồi đúng hay chưa bằng cách: Tay trái giữ nhẹ vôlăng, tay phải giữ nhẹ cần số ở vị trí số 0. Chân trái đạp ly hợp (côn) bằng mũi bàn chân. Đạp côn dứt khoát và thả từ từ. Đảm bảo bàn đạp côn chạm sàn, chân trái ở vị trí gối còn hơi gấp và cảm thấy thoải mái là được.
Việc kiểm tra này cũng cho lái xe biết tầm tiếp giáp côn xe mình đang sử dụng cao hay thấp, để điều khiển chân côn cho phù hợp. Hướng đến xe chạy êm ái, không rung giật khi khởi hành.
8- Kiểm tra làm quen cửa số
Tiến hành cắt côn, tay phải thực hiện ra, vào tất cả các số theo sơ đồ số. Đảm bảo không cúi xuống nhìn mà vẫn đi đúng cửa từng số, vào và ra số dễ dàng. Ghi nhớ ngay sơ đồ số trong đầu để khi vận hành không đi nhầm số.
9- Kiểm tra hiệu lực chân phanh
Tiếp tục thử nhanh chân phanh bằng cách chân phải đạp phanh dứt khoát một vài lần. Phanh phải có hiệu lực khi đạp hết hành trình chân phanh phải cứng. Nếu chân phanh dẻo và lún dần hoặc chân phanh chạm sàn… chân phanh dính không trả lại sau khi đạp phanh thì phải nhanh chóng đưa xe vào kiểm tra, sửa chữa.
10- Kiểm tra chân ga
Đạp và nhả chân ga vài lần để kiểm tra chân ga có tự trả sau khi đạp hay không cũng là để tập chân phải làm quen với việc tăng ga để lấy đà và ngớt ga để thao tác tăng giảm số, giảm tốc độ. Phát hiện, khắc phục kịp thời hiện tượng dính chân ga, tuột thước ga.
11- Khởi động xe bị dính, cháy đề (máy lai)
Trước khi khởi động động cơ phải đảm bảo tay số ở vị trí số 0 (số mo). Đạp côn hết hành trình (riêng xe số tự động phải đạp phanh hết hành trình). Vặn chìa khóa theo chiều kim đồng hồ, nghe máy nổ thì buông nhanh tay.
Chìa khóa sẽ tự trả về vị trí cung cấp điện. Lỗi của lái xe mới vào nghề là không nghe được tiếng máy đã nổ nên giữ chặt tay chìa khóa. Bánh răng đề máy phát vẫn quay theo bánh răng bánh đà động cơ, dễ dẫn đến gãy trục đề hoặc dính, đến cháy đề.
Một trường hợp nữa hay xảy ra là sau khi động cơ đã nổ, lái xe vặn chìa khóa ngược chiều kim đồng hồ một nấc. Dẫn đến hệ thống điện bị ngắt, động cơ vẫn nổ nhưng hệ thống đèn còi đều mất tác dụng (thường xảy ra ở xe cũ)
12- Quên thả hoặc thả phanh tay không hết khi xuất phát
Để khởi hành, lái xe vào số 1, nới côn đến tầm tiếp giáp, chân phải đạp ga nhẹ, tay phải bấm khóa hãm, nhả phanh tay. Động tác này tưởng chừng rất đơn giản nhưng với những lái xe mới vào nghề cũng rất dễ quên.
Hai tay lái xe ôm chặt cứng tay lái nên chân trái nới côn tiếp giáp, chân phải đạp ga, xe bị phanh tay giữ chặt lún xuống nhưng người lái vẫn không nhớ thả phanh tay, dẫn đến chết máy. Ở lần khởi hành tiếp theo lái xe đã nhớ phanh tay, nhưng thao tác nhả phanh tay lưng chừng thì tay đã vội vàng thả khóa hãm, nên phanh tay nhả chưa hết. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến bó, cháy phanh.
13- Quên kéo thắng (phanh) tay khi đỗ xe
Với lái xe mới vào nghề, việc khởi hành đã khá vất vả, nhưng việc dừng, đỗ xe cho ngay ngắn, sát lề đường đúng luật không phải ai cũng có thể làm được. Từ việc lúng túng trong thao tác dừng đỗ cũng dẫn đến hiện tượng quên kéo phanh tay khi xe đã dừng, đỗ trở nên khá phổ biến. Nhiều lái xe sau khi xuống xe một lúc, nghe tiếng la hét, lao ra tưởng ai ăn cắp xe mình thì mới hớt hải rượt theo…
14- Hiện tượng rú ga liên tục
Để chiếc xe vận hành êm dịu, đòi hỏi lái xe phải biết phối kết hợp côn, ga, số thật nhịp nhàng. “Đi số thì phải lấy đà, về số thì phải vù ga nửa chừng”. Nhiều lái xe khi điều khiển chiếc xe nhả côn không hết, chân ga thì cứ đạp khiến chiếc xe cứ rú ga liên tục, khi nhớ nhả được hết bàn đạp côn thì lại quên ngớt ga, khiến chiếc xe chồm lên rất nguy hiểm.
Một cách dễ nhớ nhất khi chạy số 1, để lên số 2. Lái xe nhả dần hết chân côn, quan sát mặt đường, xong liếc qua bảng đồng hồ chỉ kilômet. Thấy đồng hồ chỉ đến 10km/h thì cắt côn vào số 2. Tiếp tục nới côn, đạp ga tăng dần đều, nếu đường vắng liếc đồng hồ chỉ 20km/h thì cắt côn lên số 3.
Giảm bớt nhiều thao tác cùng lúc hay phải dồn số liên tục là phương án khôn khéo nhất.
15- Chỉ biết nhìn chăm chú phía trước mà không biết quan sát hai bên
Đa số người mới biết lái thì khả năng quan sát rất kém. Việc ôm cứng tay lái và quá tập trung nhìn phía trước khiến mắt mau mỏi, chưa nói là bị lóa mắt, dễ rơi vào luống cuống, mất bình tĩnh.
Hãy chạy chậm, tập quan sát phía trước, quan sát cả hai bên thân xe, và thi thoảng liếc gương chiếu hậu, hay tay nắm nhẹ vôlăng để chủ động xử lý trong mọi tình huống. Nghề lái xe phần nhiều là nghề dạy nghề.
Hãy tập chạy chậm một thời gian, khi khả năng quan sát, làm chủ chiếc xe tốt hơn sẽ chạy nhanh hơn đến chạy đều và chạy ổn định.
16- Đi không đúng phần đường, làn đường xe chạy
Việc tuân thủ Luật giao thông, cho xe đi đúng phần đường, làn đường là việc bắt buộc nhưng luật cũng quy định: Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. như vậy những lái xe mới vào nghề có thể yên tâm cho xe đi sát lề bên phải mà không sợ bị phạt. Không nên mạo hiểm đi vào làn đường dành cho xe mình.
Một là chạy đua theo người ta, để không gây cản trở các xe đang di chuyển phía sau, xử lý không kịp rất dễ gây tai nạn và ngược lại. Đi chậm sẽ gây ách tắc giao thông. Phương án phù hợp nhất là đi về bên phải chiều đi và đi chậm, tập quan sát, khi nào làm chủ tốc độ, làm chủ phương tiện, khi đó cho xe tham gia đúng làn theo quy định cũng chưa muộn.
17- Hạn chế, tránh, vượt xe khác
Khả năng quan sát, xử lý tình huống của nhiều lái xe mới ra nghề còn khá non nớt. Nên hạn chế việc tránh, vượt xe khác để đảm bảo an toàn. Chạy chậm, chạy đều và chạy thẳng, khi gặp tình huống nguy hiểm chỉ cần ngớt ga giảm tốc độ, dồn về số thấp, hay phanh dừng xe nhường nhịn là phương án tốt nhất.
18- Dừng đỗ đột ngột
Như đã nói ở trên, khả năng quan sát, phán đoán, xử lý tình huống của các lái xe mới ra nghề thường là rất yếu, nên chỉ cần thấy người qua đường hay xe lớn hơn đi ngược chiều là lái xe sẽ hốt hoảng dẫn đến choạng tay lái, hay phanh dừng, hoặc để chết máy đột ngột gây nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông khác.
Việc dán chữ “thông cảm, xe mới tập lái” sau xe thể hiện sự khiêm tốn và tinh thần cầu thị học hỏi, giúp các lái xe khác phát hiện sớm xe tập lái để có những biện pháp xử lý an toàn – Ảnh: T.L.
19- “Thông cảm xe tập lái…”
Để người và các phương tiện tham gia giao thông khác có cái nhìn độ lượng và nhường nhịn, hạn chế những xung đột không đáng có, các lái xe mới ra nghề nên dán trước và sau xe mình dòng chữ “Thông cảm, xe mới tập lái…”. “Lái mới”, “Tài non”… Việc dán (thông điệp) chữ “thông cảm, xe mới tập lái” sau xe mình thể hiện sự khiêm tốn và tinh thần cầu thị học hỏi, giúp các lái xe khác phát hiện sớm xe tập lái để có những biện pháp xử lý an toàn trong quá trình tham gia giao thông.
20- Lái xe cập nhật luật
Thường xuyên cập nhật các quy định mới về pháp luật giao thông đường bộ để chủ động khi tham gia giao thông. Ví dụ Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi thông tư quy định về tốc độ khi tham gia giao thông của các loại phương tiện, theo đó có thể tốc độ tối đa sẽ tăng lên 10km/h, người lái xe phải cập nhật để biết mà ứng xử…